Doanh nghiệp thoát 'chết' nhờ khoa học công nghệ
Quyết định cấm lưu hành đèn dây tóc đẩy Rạng Đông vào thế khó. Dây chuyền nhập từ Đức của Minh Long hoạt động không tương thích với điều kiện thực tế... buộc các doanh nghiệp phải tự đổi mới công nghệ để tồn tại.
Tại buổi Tọa đàm Doanh nghiệp khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo hôm 23/3 tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết đã rất sốc khi hay tin đầu năm 2013 sẽ cấm lưu hành đèn dây tóc trên 60w. Theo đó, hơn 70% sản phẩm của đơn vị bị khai tử, khoảng 200 trong số 500 công nhân có nguy cơ mất việc.
Ông kể, doanh nghiệp quyết định chuyển sang sản xuất bóng đèn công nghệ cao như đèn bán dẫn. Khó khăn nảy sinh vì để đào tạo kỹ sư nắm bắt vững công nghệ mới phải mất 5-10 năm trong khi công ty ở tình trạng nguy kịch.
"Rạng Đông nhờ các nhà khoa học, kết hợp với những người đã nghỉ hưu ở viện nghiên cứu giúp đỡ nên mấy năm qua mới tồn tại được. Khoa học công nghệ đã cứu chúng tôi", ông Thăng chia sẻ.
Bài học này cũng được ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 thừa nhận. Khi Minh Long nhập những máy dập bột (dùng trong sản xuất gốm sứ) từ Đức về đã mất 3 năm nghiên cứu để các máy móc này đáp ứng mong muốn về tiêu chuẩn, số lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng mất 2 năm tự sáng chế ra khuôn đúc muỗng áp lực cao, đáp ứng sản xuất 40.000 chiếc một ngày.
"Tôi chỉ học đến lớp 3 trường làng nhưng khi có đam mê khoa học công nghệ thì sẽ làm được", ông Minh nói.
Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Naiscorp cho biết từng từ chối 25 triệu USD khi Google muốn mua lại trang socbay.com (trang tìm kiếm bằng Tiếng Việt) của mình. Công ty An Sinh Xanh cũng tự hào vì tạo ra hệ thống chữa cháy bằng hơi nước được Mỹ công nhận bằng sáng chế.
"Bao năm qua, chúng ta vẫn chưa làm được việc kết nối khoa học công nghệ với cộng đồng doanh nghiệp", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn hàng trăm nghìn công ty chưa tiếp cận hoặc không quan tâm đến khoa học công nghệ. Các chuyên gia cho rằng điều này xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan từ chính sách, thể chế.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nêu quan điểm, chiến lược khoa học công nghệ phải là trục của chiến lược kinh tế - xã hội. Khoa học công nghệ phải được ưu tiên, không có xin cho gì ở đây, các vị lãnh đạo phải khuyến khích đổi mới.
Còn ông Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội bức xúc khi doanh nghiệp trong nước phải lặn lội tìm máy nhập ở nước ngoài về, tự mày mò sáng chế có khi mất vài năm. Ông đặt câu hỏi: "Các nhà khoa học, viện nghiên cứu, cơ quan chức năng ở đâu".
Theo ông, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh, đúng đối tượng, trọng tâm để ngày càng nhiều sản phẩm thương hiệu Việt được nâng tầm lên toàn cầu.
Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định mỗi câu chuyện của doanh nghiệp được nêu là một bài học về khoa học công nghệ. "Có những doanh nghiệp thà đóng thuế còn hơn xin miễn thuế dù được ưu đãi vì là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Thực tế có những chính sách ưu tiên khoa học chỉ trên giấy", ông Quân đánh giá.
Kiên Cường